Các nguồn năng lượng phân tán (DER) như các tấm pin mặt trời, xe điện… có thể thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng xanh tại Đông Nam Á.
Việc mở rộng DER trên khắp Đông Nam Á đang trở nên hứa hẹn hơn do tiềm năng tạo ra năng lượng từ ánh sáng mặt trời và các nguồn tái tạo khác.
Theo bà Gabrielle Kuiper, chuyên gia về tài nguyên năng lượng phân tán tại Viện Phân tích Tài chính và Kinh tế Năng lượng (IEEFA), những nguồn như vậy cuối cùng có thể chiếm tới một nửa sản lượng năng lượng tái tạo của khu vực nếu có chính sách phù hợp.
DER được dùng chung để chỉ nhiều loại thiết bị phát và lưu trữ điện quy mô nhỏ, được kết nối với lưới điện tập trung. Chúng có thể bao gồm từ việc lắp đặt các tấm pin mặt trời riêng lẻ trên mái nhà cho đến xe điện và bộ lưu trữ pin cung cấp năng lượng trở lại lưới điện. Hệ thống DER cho phép quản lý năng lượng gần hoặc ngay tại điểm sử dụng, điều mà các nhà phân tích năng lượng cho rằng sẽ làm tăng tính linh hoạt và hiệu quả.
Bà Kuiper cho biết hệ thống DER có thể giúp Đông Nam Á khai thác tiềm năng năng lượng tái tạo trị giá hàng tỷ USD và đẩy nhanh khu vực hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng sạch.
Một báo cáo của IEEFA công bố vào tháng trước ước tính rằng hệ thống DER có thể mang lại tổng lợi ích kinh tế khoảng 19 tỷ đô la Australia (12,6 tỷ USD) cho Australia vào năm 2040. Bà Kuiper giải thích rằng tác động kinh tế bắt nguồn từ tính linh hoạt và hiệu quả của hệ thống DER.
“Phần thực sự quan trọng của quá trình chuyển đổi năng lượng là xe điện có thể sẽ chiếm phần lớn nguồn lưu trữ pin phân tán trong tương lai… Rất nhiều công ty ô tô ở Trung Quốc và Hàn Quốc đang nghiên cứu những chiếc ô tô sẽ cung cấp năng lượng trở lại lưới điện,” bà nói thêm.
Các chuyên gia cũng lưu ý rằng một lợi ích khác của hệ thống DER là chúng có khả năng phục hồi tốt hơn trước sự biến đổi của khí hậu. Cụ thể, một số cư dân sử dụng nhà của họ và pin EV để giúp đỡ hàng xóm trong các vụ cháy rừng gần đây ở Australia, đồng thời góp phần bảo quản được thực phẩm đông lạnh không bị hư hỏng khi các hộ gia đình không tiếp cận được với các nguồn điện truyền thống.
Việc mở rộng DER trên khắp Đông Nam Á đang trở nên hứa hẹn hơn do tiềm năng tạo ra năng lượng từ ánh sáng mặt trời và các nguồn tái tạo khác.
Tuy nhiên, ông Tim Buckley, Giám đốc tổ chức nghiên cứu Tài chính Năng lượng Khí hậu có trụ sở tại Sydney đánh giá rằng có những rào cản kỹ thuật ngăn cản hệ thống DER phát huy hết tiềm năng của chúng. “Điều quan trọng là hệ thống điện của khu vực đã được thiết kế cho các máy phát điện rất lớn, chủ yếu chạy bằng dầu và khí đốt. Nó không có tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định hoặc khả năng tiếp cận thị trường cho tất cả các thiết bị nhỏ hơn này”, ông nói.
Ông Buckley cho biết thêm: “DER là một nguồn tài nguyên chưa được sử dụng đúng mức, đặc biệt đối với các quốc gia có đất đai hạn chế nhưng có nguồn tài nguyên năng lượng mặt trời tốt như Ấn Độ và các quốc gia khác ở châu Á”.
Bên cạnh đó, hệ thống DER cũng làm giảm nhu cầu đầu tư lớn vào truyền tải lưới điện vì chúng tận dụng các lưới điện hiện có, giúp giải phóng hiệu quả thời gian xây dựng lên tới 10 năm.
Tuy nhiên, các chuyên gia đều cho rằng, các quốc gia Đông Nam Á cần cải cách quy định để thúc đẩy việc áp dụng DER. Bà Kuiper cho biết cần phải thay đổi tư duy của những người đang vận hành hoặc điều tiết hệ thống điện để hệ thống DER phát huy được tiềm năng của mình. “Các nhà hoạch định chính sách nên coi DER cũng quan trọng không kém đối với quá trình chuyển đổi năng lượng sạch cũng như việc sản xuất và truyền tải năng lượng quy mô lớn”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Mặc dù vậy, quá trình chuyển đổi sẽ không dễ dàng diễn ra, ngay cả ở một quốc gia phát triển như Singapore vì sẽ phải mất thời gian đáng kể để thấy được hiệu quả của hệ thống DER.
Trong buổi công bố ngân sách năm 2024 của Singapore vào tháng trước, quốc gia này đã công bố Quỹ Năng lượng Tương lai trị giá 5 tỷ đô la Singapore nhằm đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Các khoản đầu tư chính được thảo luận trong kế hoạch này là các dự án lớn như xây dựng cáp ngầm dưới biển để nhập khẩu điện có hàm lượng carbon thấp từ các quốc gia khác và sản xuất điện hydro.
Theo Sanjana Ramesh, Kỹ sư hệ thống điện tại VFlowTech, mặc dù Singapore đang tập trung vào các nguồn năng lượng tái tạo tập trung nhưng nước này không hoàn toàn bỏ qua các hệ thống phi tập trung. Tuy nhiên, khi các hệ thống phân tán trưởng thành, chúng cần được xem xét đến khả năng phục hồi, tính linh hoạt và quan trọng nhất là tính bền vững.
Hệ thống DER có thể giúp thế giới đáp ứng các tiêu chuẩn về hiệu quả năng lượng được đặt ra trong cam kết của các quốc gia tại hội nghị khí hậu COP28 năm ngoái – những tiêu chuẩn được coi là thiết yếu để giảm thiểu mối đe dọa của biến đổi khí hậu.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, việc triển khai các tấm pin mặt trời, năng lượng gió, năng lượng hạt nhân, ô tô điện và máy bơm nhiệt từ năm 2019 đến 2023 đã giúp giảm 2,2 tỷ tấn khí thải toàn cầu mỗi năm. Tuy nhiên, mức giảm này thấp hơn 4 lần so với mục tiêu hàng năm đặt ra trong cam kết COP28.
Nguồn: Diễn đàn doanh nghiệp